Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh đang có 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng; trong đó có 86 hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ và không đảm bảo đủ nước cho bà con gieo cấy.
Hiện mùa mưa bão đang đến gần, những công trình hồ, đập bị xuống cấp, hư hỏng nặng vẫn chưa được tu sửa do các địa phương, đơn vị quản lý hồ, đập đang thiếu nguồn vốn đầu tư, sửa chữa.
Nằm tại vùng miền núi khó khăn, hồ chứa nước Đầm Thi, thị trấn Ngọc Lặc, huyện miền núi Ngọc Lặc, được xây dựng từ năm 1967, với diện tích 8,9 ha để cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân.
Sau nhiều năm sử dụng, hồ chứa này đã xuống cấp trầm trọng, thân đập đất chồng chất, mái thượng lưu và mái hạ lưu đập bị sạt lở, tràn xả lũ phía sau chưa được bố trí đường thoát lũ, lòng hồ đang bị bồi lắng nên dung tích chứa của hồ không còn nhiều.
Khi mưa bão về làm lượng nước chảy tràn vào khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điều này, đã làm nhiều người dân quanh khu vực thiếu nước tưới tiêu khi mùa nắng nóng, còn mùa mưa thì có nguy cơ mất an toàn.
Ông Phạm Văn Tảo, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Hồ chứa nước Đầm Thi đang cung cấp nước tưới cho bà con lâu nay, gần đây do hồ xuống cấp nên mỗi khi mưa to nước dâng lên, chảy vào nhà, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mong nhà nước đầu tư, tôn tạo lại hồ chứa để phục vụ cấp nước tưới tiêu của người dân.”
Trên địa bàn huyện miền núi Ngọc Lặc hiện có 155 hồ đập; trong đó có 12 hồ chứa nước xuống cấp, để đảm bảo an toàn vận hành các hồ chứa mùa mưa bão, UBND huyện đã tập trung trang thiết bị, vật tư phòng chống thiên tai, để khi xảy ra mưa bão kịp thời ứng phó.
Theo bà Phan Thị Hà, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ngọc Lặc: "Đối với các công trình chưa được gia cố, huyện đã tập trung duy trì vật tư, để khi xảy ra thiên tai kịp thời ứng phó, đối với công trình đang xây dựng huyện đã tuyên truyền, đề nghị chủ đầu tư gia cố để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra. Đặc biệt, cứ đến mùa mưa bão Ủy ban Nhân dân huyện luôn chuẩn bị các phương án, huy động lực lượng trực tại các hồ đập xuống cấp, để sẵn sàng di dời bà con khi có tình huống xấu xảy ra."
Hồ chứa nước Đầm Thi, thị trấn Ngọc Lặc, huyện miền núi Ngọc Lặc đã xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: TTXVN phát)Còn tại huyện miền núi Cẩm Thủy, hồ Làng Ngọc, xã Cẩm Lương được xây dựng từ lâu, đập được làm bằng đất, cống tràn đã hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc cấp nước, cũng như mất an toàn vùng hạ du.
Ông Hoàng Nam Dinh, Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Thủy cho hay: Qua tổng hợp huyện có 2 hồ xuống cấp đang đưa vào chương trình nâng cấp; trong đó có Hồ Làng Ngọc, xã Cẩm Lương và hồ xã Cẩm Phú. Hiện Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo chủ hồ chứa nước bình thường, đảm bảo an toàn khi vận hành hồ chứa, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân sống quanh hồ chứa nước này.
Còn tại 75 hồ đập do Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Sông Chu quản lý, hàng tháng đơn vị này đã kiểm tra mức độ an toàn hồ đập để lên kế hoạch duy tu, bảo dưỡng nhằm đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa bão.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phòng kỹ thuật-Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Sông Chu cho hay: “Công ty được giao quản lý 75 đập và hồ chứa tại 18 huyện, thị , thành phố, hàng tháng công ty kiểm tra mức độ an toàn hồ đập để lên kế hoạch duy tu, bảo dưỡng nhằm đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa bão.”
Ngoài ra, tại các huyện miền núi khác gồm Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Như Xuân... cũng đang có nhiều hồ, đập xuống cấp trước mùa mưa bão 2024.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đối với các hồ đập xuống cấp, Sở đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau lũ để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp kinh phí tu sửa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho công trình.
Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chi cục đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố và các công ty khai thác công trình thủy lợi kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau lũ để kịp thời tham mưu, bố trí kinh phí sửa chữa. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp các công trình hồ chứa, thẩm định theo phê duyệt, từ đó lên kế hoạch kinh phí bảo dưỡng các hồ đập nhỏ do các tổ chức quản lý, tránh xuống cấp công trình."
"Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa sẽ tham mưu cấp trên có chính sách hỗ trợ các đơn vị quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi thực hiện duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, chống xuống cấp cho các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn và tuổi thọ công trình theo thiết kế."
"Đối với 86 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024, Sở sẽ hướng dẫn Ủy ban Nhân dân, các công ty khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, hồ chứa nào không đảm bảo an toàn sẽ không được phép tích nước, nhằm đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ 2024," bà Nguyễn Thị Anh Nga cho biết./.